Wednesday, June 4, 2008

Su Gia Hoa Ky Noi Ve Tran Chien Mau Than

Hỏi sử gia Mỹ về trận chiến Mậu Thân


Cuộc Tổng Tấn công 1968 là điểm bước ngoặt của chiến tranh Việt Nam
Cuộc Tổng Tấn công Tết Mậu Thân 1968 là một trong vài sự kiện quan trọng nhất trong cuộc chiến Việt Nam.
40 năm sau cuộc Tổng Tấn công này, những nhà nghiên cứu có thêm những nhận định, suy nghĩ gì về các khía cạnh của cuộc chiến năm 1968?
Lê Quỳnh của BBC đã có cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ James H. Willbanks, Giám đốc Khoa Lịch sử Quân sự, Trường Chỉ huy Tham mưu Quân đội Mỹ (U.S. Army Command and General Staff College) ở Fort Leavenworth, bang Kansas.
Câu hỏi đầu tiên là những nghiên cứu học thuật trong 10 năm qua có cung cấp thêm thông tin gì về trận Mậu Thân?
James H. Willbanks: Một số thông tin mới liên quan đến những kế hoạch và ý định của phía Cộng sản. Ví dụ, một trong các câu hỏi còn đọng lại là ý định của quân đội Cộng sản tại Khe Sanh – có phải tướng Giáp định chiếm căn cứ của Thủy quân lục chiến hay chỉ định dùng nó để thu hút chú ý trong khi các khu vực đông dân cư mới là mục tiêu chính của chiến dịch? Các tư liệu mới công bố từ phía bên kia cho thấy Khe Sanh là một phần trong cố gắng của họ nhằm đánh lạc hướng trong khi các mục tiêu chính của chiến dịch là các trung tâm dân cư và các cơ quan quân sự đầu não.
Trong số những phát hiện đáng chú ý nhất từ nguồn tài liệu mới này là mức độ sai lầm trong tính toán của những người Cộng sản khiến họ bị thất bại trong chiến dịch. Mặc dù trước đấy đã có thừa nhận về những thất bại tình báo của phía Mỹ trong những tháng dẫn đến chiến dịch, nhưng nay người ta biết rằng phía bên kia cũng có một số tính toán sai lầm nghiêm trọng.
Trong những năm gần đây, đã có nhiều bài báo, lịch sử đơn vị và các ấn phẩm khác cung cấp cái nhìn mới về kế hoạch của phía bên kia trước chiến dịch. Ta thấy những thất bại chính trong kế hoạch của Cộng sản là sự đánh giá nhầm về cả khả năng của đối phương và các cảm tình viên, những báo cáo sai, và tác động của ý thức hệ và “lạc quan tếu” lên đánh giá quân sự.

Trận đánh lớn xảy ra ngay tại Sứ quán Mỹ ở Sài Gòn
Theo những người lên kế hoạch của phe Cộng sản, cuộc tổng tiến công sẽ thắng lợi vì một cuộc tổng nổi dậy, được cho là đỉnh cao của nhiều năm đấu tranh chính trị, sẽ giúp giảm bớt lợi thế quân sự của người Mỹ và lật đổ chính quyền Sài Gòn. Tổng nổi dậy là vũ khí tối thượng của họ; họ tin rằng sự trong sạch ý thức hệ và nhiệt tình cách mạng sẽ chiến thắng, ngay cả trước khả năng điều động và hỏa lực hơn hẳn của Mỹ. Như một người trong cuộc sau này nhận xét, họ “…dự tính đúng một khả năng – là cuộc tổng tấn công nổi dậy chắc chắn sẽ thắng lợi, điều đó có nghĩa là chúng tôi đã không dự tính những khả năng thay đổi hay diễn biến trên hiện trường”.
Kết quả là một thất bại nặng nề ở mức chiến thuật cho người Cộng sản. Sự trớ trêu bi kịch là thất bại này lại chuyển hóa thành một thắng lợi tâm lý mà sẽ là điểm bước ngoặt cho sự can dự của Mỹ trong cuộc chiến.
BBC:Có những vấn đề nào liên quan sự kiện 1968 mà vẫn còn ám ảnh các nhà nghiên cứu ngày hôm nay?
Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất xoay quanh kết quả của cuộc tấn công Tết Mậu Thân. Từ lâu người ta cho rằng đây là một thất bại chiến thuật cho phía Cộng sản nhưng được chuyển thành chiến thắng tâm lý ở mức chiến lược do sự tường thuật thiên vị.
Có hai vấn đề ở đây: vai trò của truyền thông và kết quả thực sự của chiến dịch. Ngày nay một số học giả cho rằng truyền thông thực ra không có tác động lớn tới dư luận đến thế. Quả đúng là tác động ban đầu của báo chí đã làm tăng ủng hộ cho chính quyền Johnson và cách điều hành cuộc chiến của tổng thống. Nhưng khi chiến tranh tiếp tục, dư luận xoay chiều theo hướng bi quan. Tác động thực sự của Tết Mậu Thân là tác động lên chính chính quyền Johnson – chính quyền Mỹ bị rúng động vì tầm mức và sự khốc liệt của các cuộc tấn công của Cộng sản. Tình thế này khiến tổng thống và các cố vấn của ông đánh giá lại và sau đó là tuyên bố của Johnson rằng ông sẽ giảm cường độ đánh bom Bắc Việt, và kêu gọi đàm phán ngay trước lúc loan báo ông sẽ không ra tái tranh cử.
Kết quả của chiến dịch vẫn còn đang được tranh cãi. Cuộc tấn công, với các đợt sau đó kéo dài sang mùa thu 1968, có một số kết quả. Nó làm tăng số thương vong của quân Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), nhưng phía Cộng sản cũng không đạt được mục tiêu quân sự nào của họ và người dân miền Nam vẫn không nổi dậy. Cộng quân chịu tổn thất nặng nề, đặc biệt là du kích Việt Cộng, những người chiến đấu chính trong các đô thị; họ không còn hồi phục sau những thiệt hại này và đa số các trận đánh lớn từ cuối 1968 về sau là do quân chính quy Bắc Việt đảm nhiệm. Tuy nhiên, những người Cộng sản đã thành công trong việc tác động tiêu cực đến chương trình bình định nông thôn, khiến các cán bộ bình định địa phương bỏ chạy khỏi vùng quê trong những ngày đầu của cuộc tấn công. Tác động này sau đó giảm đi khi những tổn thất của Việt Cộng cho phép những cán bộ này quay lại và tăng gấp đôi nỗ lực. Người ta thừa nhận chương trình bình định đạt mức độ thành công quan trọng trong những năm sau Tết Mậu Thân.
BBC:Tổng số thương vong trong chiến dịch có còn là câu hỏi chưa được giải quyết trọn vẹn, thưa giáo sư?
Vẫn còn nhiều bất đồng về tổng số thương vong của phía Cộng sản. Một số tư liệu công bố gần đây cung cấp thêm chi tiết, nhưng con số thực vẫn mù mờ. Tuy nhiên, rõ ràng là Cộng quân, và đặc biệt là quân của Mặt trận Giải phóng miền Nam, chịu tổn thất nặng nề vì các đợt tấn công kéo dài tới mùa thu 1968.
Vẫn còn nhiều bất đồng về tổng số thương vong của phía Cộng sản. Một số tư liệu công bố gần đây cung cấp thêm chi tiết, nhưng con số thực vẫn mù mờ


BBC:Cái gọi là Cuộc thảm sát ở Huế vẫn gây nhiều tranh cãi trong người Việt. Theo ông, có thông tin gì mới về vấn đề này không?
Thông tin mới duy nhất mà tôi thấy là cuốn sách tiếng Anh năm 2002, From Enemy to Friend, của Bùi Tín (Nguyễn Ngọc Bích dịch). Trong đó, Bùi Tín nói Tướng Trần Văn Quang, chỉ huy trưởng quân khu Trị - Thiên – Huế, bị phê bình vì để xảy ra vụ thảm sát. Bùi Tín khẳng định là cán bộ Cộng sản được chỉ thị giữ tù binh mà họ bắt trong đợt tấn công đầu tiên vào Huế, rồi đưa họ đi cùng khi Cộng quân rút lui sau khi bị Thủy quân lục chiến Mỹ đẩy ra khỏi Cổ thành. Tác giả cho rằng “nhiều chỉ huy cấp đại đội và tiểu đoàn đã tự ý quyết định bắn các tù binh để đảm bảo cho việc rút lui được an toàn.” Theo ông, người già, phụ nữ và trẻ em đã bị hành quyết khi “kỷ luật đổ vỡ trong tình thế tuyệt vọng.” Liệu đây có phải là sự biện bạch của người Cộng sản sau khi việc đã rồi hay không, thì tôi không rõ.
BBC:Từ phía người Mỹ, đâu là những bài học rút ra từ Tết Mậu Thân 1968?
Một trong những bài học quan trọng nhất là về tình báo. Những ước đoán về binh lực và ý định của Cộng quân vào cuối năm 1967 mắc nhiều thiếu sót. Một phần của vấn đề là Phái bộ Quân sự Mỹ tại Việt Nam (gọi tắt là MACV, Military Assistance Command, Vietnam), trong cố gắng chứng tỏ có tiến bộ, đã cố tình giảm nhẹ các đánh giá tình báo về binh lực của Cộng quân. MACV thay đổi cách tính toán, giảm số lượng quân địch từ gần 300.000 xuống còn 235.000 vào tháng 12-1967. Các phân tích gia tình báo Mỹ dường như tin vào đánh giá của chính họ và gần như bỏ qua bằng chứng là Cộng quân không chỉ duy trì khả năng tác chiến khá cao mà còn định dùng khả năng đó theo một cách quyết liệt. Một thất bại tình báo nữa là khi các phân tích gia tình báo bỏ qua nhiều tài liệu thu giữ được, cho rằng chúng chỉ thể hiện hy vọng hão huyền của Cộng sản mà không thấy rằng đối phương có khả năng thực hiện ý định.
Vì thế, phía Mỹ đã đánh giá thấp khả năng của đối phương, bỏ qua những chứng liệu tình báo mới chỉ vì chúng đi ngược hẳn với suy nghĩ của họ về sức mạnh và khả năng của đối phương.
Một vấn đề khác ảnh hưởng đến thất bại tình báo liên quan tới cái mà ngày nay người ta gọi là “sự hỗ tương” (fusion). Thật khó tổng hợp những dữ liệu thu thập được để vẽ nên bức tranh toàn diện về hành vi của Cộng quân. Một phần nguyên nhân là sự thiếu phối hợp giữa các cơ quan tình báo. Đa số các tổ chức này hoạt động độc lập, ít khi chia sẻ thông tin với nhau. Điều này xảy ra cả ở trong cơ cấu tình báo của quân đội Mỹ.
Nhưng ngay cả khi ta giả sử bộ máy tình báo đã có sự hỗ tương tốt hơn, thì cũng vẫn khó giải quyết những báo cáo trái ngược hẳn nhau. Một mặt tin tức cho thấy một cuộc tổng tiến công sắp xảy ra, nhưng cũng có những báo cáo khác nói rằng đối phương gặp khó khăn và tinh thần binh sĩ sa sút. Khó quyết định ta nên tin vào báo cáo nào. Bên cạnh đó, có một số chỉ dấu lẽ ra phải làm ngành tình báo chú ý thì chúng lại rơi lọt thỏm giữa những biến cố rõ rệt hơn và trùng khớp hơn với trông đợi của các phân tích gia. Trước các bằng chứng là đối phương gia tăng hoạt động gần đô thị và dọc vùng ven nông thôn, quân đồng minh buộc phải quyết định là cuộc tổng tiến công sẽ xảy ra ở đâu, khi nào, như thế nào. Họ đã thất bại trong việc này, khi tập trung cho hoạt động quanh khu vực Khe Sanh và các vùng xa xôi khác.
Khi Bắc quân tấn công vào căn cứ Thủy quân Lục chiến ở Khe Sanh ngày 21-1, điều này trùng khớp với dự tính của Westmoreland và các phân tích gia. Họ đánh giá tin tức tình báo dựa trên điều họ mong đợi, và những chỉ dấu khác thì bị đánh giá thấp. Bài học lớn rút ra là các nhà phân tích và chỉ huy phải tránh quan niệm thiên kiến về đối phương và khả năng của đối phương, đặc biệt khi thông tin tình báo cho thấy thách thức mà ta đối diện khác hẳn với lối suy nghĩ lâu nay.

No comments: